Bài 19: Cống hiến và hưởng thụ

Bài 19: Cống hiến và hưởng thụ

Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu:

Bài học về: Tài năng và lòng tốt

PHẦN III: MỘT SỐ CHỦ ĐỀ VÀ BÀI VIẾT THAM KHẢO

CHỦ ĐỀ  3 : CỐNG HIẾN VÀ HƯỞNG THỤ

I. DẠNG ĐỀ VÀ BÀI LUYỆN

A. Đề ôn : Đừng tìm mọi cách để hưởng thụ mà hãy tìm mọi cách để cống hiến.

Gợi ý :

[1] Mở bài

– Dẫn dắt :  cống hiến và hưởng thụ

– Dẫn câu nói.

[2] Thân bài

* Giải thích :

– Hưởng thụ : thừa hưởng, thu nhận, sử dụng những thành quả vật chất và tinh thần mà bản thân hoặc gia đình, xã hội, nhân loại đem lại. Tìm mọi cách để hưởng thụ là cố gắng tìm các cách có thể để thừa hưởng những điều kiện sống mà cuộc đời có khả năng đem lại.

– Cống hiến : nỗ lực lao động, đem sức lực và trí tuệ của bản thân tạo ra của cải vật chất và các giá trị tinh thần phục vụ cộng đồng, góp phần làm cho đời sống ngày càng tốt đẹp hơn. Tìm mọi cách để cống hiến là hành động nỗ lực không ngừng để góp sức mình vào sự phát triển liên tục của xã hội.

– Ý cả câu : đừng chỉ nghĩ đến việc tìm mọi cách để thụ hưởng thành quả lao động của người khác mà nên tìm mọi cách đóng góp sức mình cho sự phát triển chung xã hội. Ý của câu nói nghiêng về thái độ phê phán cách sống chỉ nghĩ đến thụ hưởng đồng thời đề cao lối sống có nhiều sự cống hiến.

* Phân tích :

Vì sao “đừng tìm mọi cách để hưởng thụ mà hãy tìm mọi cách để cống hiến”? Vì :

– Hưởng thụ và cống hiến là hai mặt quyền lợi và trách nhiệm ràng buộc lẫn nhau mà mỗi người khi sống trong cộng động cần phải có. Gia nhập đời sống xã hội và nhân loại, mỗi người vừa có quyền, có cơ hội được thừa hưởng, tiêu dùng những thành quả mà các thế hệ đi trước tạo ra nhưng cũng phải có nghĩa vụ đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của xã hội.

– Nếu chỉ tìm mọi cách để hưởng thụ, con người sẽ nghĩ đến hưởng lạc, lạc thú mà quên nghĩa vụ đóng góp, dựng xây của mình đối với cộng đồng. Nếu cứ như vậy, dần dần anh sẽ trở thành kẻ lười lao động, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, từ đó hình thành thói ỷ lại, dựa dẫm, vô trách nhiệm với gia đình, xã hội. Tìm mọi cách để hưởng thụ là biểu hiện của lối sống gấp, sống như thể ngày mai sẽ chết, bất chấp những gì diễn ra xung quanh.

– Trong khi đó, tìm mọi cách để cống hiến là hành động nỗ lực không ngừng để góp sức mình vào sự phát triển liên tục của xã hội. Cống hiến càng tốt, càng nhiều thì xã hội càng nhanh tiến bộ, văn minh và bản thân mỗi người càng có cơ hội nhiều hơn để hưởng thụ và nâng cao chất lượng của sự thụ hưởng.

– Tìm mọi cách để cống hiến là lý tưởng đẹp đẽ, hành động cao cả đáng được ngợi ca, góp phần nâng cao giá trị của mỗi cá nhân trong đời sống. Tìm mọi cách để cống hiến là một trong những cách để mỗi chúng ta sống có ích hơn, có ý nghĩa hơn và để được xã hội tôn vinh. Đặc biệt, những cống hiến vĩ đại cho loài người sẽ mãi mãi được lịch sử ghi nhận và bảo lưu.

* Bình luận

– Hưởng thụ là nhu cầu, quyền sống của mọi người. Con người có cống hiến và cũng có quyền được hưởng thụ với nhiều cách thức khác nhau, ở nhiều dạng thức không giống nhau, tùy theo nhu cầu, sở thích, khả năng, điều kiện của bản thân. Không biết hưởng thụ cũng là một biểu hiện kém văn minh trong xã hội hiện nay. Biết hưởng thụ là một trong những cách để giảm stress, giảm những áp lực trong cuộc sống. Hưởng thụ sẽ giúp cho chúng ta tái sản xuất sức lao động, từ đó có thể cống hiến được nhiều hơn và tốt hơn cho cộng đồng.

– Tuy nhiên, không nên lạm dụng cái quyền sống đó để cho phép mình lãng quên hoặc tiết giảm những nghĩa vụ, trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Mỗi người cần phải cân đối hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ. Thậm chí, trong những hoàn cảnh nào đó của đời sống, cần biết hi sinh hoặc chấp nhận những thiệt thòi về bản thân để toàn tâm, toàn trí cho việc cống hiến.

– Trong thực tế, mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ ở mỗi người có nhiều biểu hiện khác nhau : có người chỉ muốn hưởng thụ mà không muốn cống hiến hay khá hơn một chút là thích cống hiến ít nhưng hưởng thụ phải thật nhiều; có người yêu cầu hưởng thụ phải cân bằng với cống hiến nên trước khi cống hiến thường đặt ra điều kiện thụ hưởng, nếu không sẽ không làm; có người nghĩ đến cống hiến nhiều hơn hưởng thụ, trước khi hưởng thụ. Loại thứ nhất là biểu hiện của tư tưởng cá nhân chủ nghĩa cực đoan, lười biếng, làm trì trệ xã hội, rất đáng phê phán. Loại thứ hai dễ được chấp nhận hơn song thiên về lối sống vật chất, ảnh hưởng từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, “tiền trao cháo múc”, vì thế cũng không được đề cao. Kiểu suy nghĩ và hành động thứ ba là biểu hiện của lối sống đẹp, có lý tưởng, hoài bão cao cả, rất đáng khuyến khích, nhất là ở tuổi trẻ.

– Dù vậy, trong quá trình xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, các nhà quản lý, điều hành đất nước cũng cần phải xây dựng cơ chế, chính sách để đảm bảo công bằng xã hội và khuyến khích con người nhiệt tình cống hiến.

Bài học nhận thức

Cần phải xác định rõ tư tưởng : hãy nghĩ đến cống hiến nhiều hơn là hưởng thụ. Có tích cực cống hiến thì mới có điều kiện để nâng cao chất lượng hưởng thụ và giá trị bản thân.

– Thanh niên, HS cần học tập, tu dưỡng thật tốt, tích cực chuẩn bị cho việc cống hiến sau này. “Đừng hỏi Tổ quốc… hôm nay”.

Bài 19: Cống hiến và hưởng thụ

Bài 19: Cống hiến và hưởng thụ

B. Đề luyện :

Phải chăng “Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý” ?

* Giải thích:

– Cuộc sống là tổng thể nói chung những hoạt động trong đời sống của một con người hay một xã hội.

– Cuộc sống vì người khác là cuộc sống mà ở đó con người dành nhiều sự quan tâm, tình cảm, những chăm lo về vật chất, tinh thần cho người khác. Thậm chí họ chấp nhận cả những thiệt thòi, thua kém để người khác có được niềm vui, hạnh phúc, thành công.

– Cuộc sống đáng quý là cuộc sống tốt đẹp, được đánh giá cao, được ngưỡng mộ, tôn vinh bởi những giá trị, lợi ích mà nó đem lại.

– Ý cả câu : Đề cao và khẳng định giá trị của cách sống, lối sống “vì mọi người”, biết quan tâm, chăm lo, chia sẻ với người khác.

* Phân tích:

– Thông thường, người ta sống vì điều gì ?

+ Vì những niềm vui, hạnh phúc, quyền lợi mà người ta có được (vì bản thân mình).

+ Vì những trách nhiệm, nghĩa vụ mà mỗi người phải thực hiện trong cuộc đời (vì người thân, vì cộng đồng, dân tộc).

– Vì sao con người cần sống vì người khác ?

+ Vì thế giới này được tạo nên bằng sự gắn kết của các cá nhân trong các quan hệ và bằng những ràng buộc. Người ta sinh ra đã có sợi dây gắn kết và ràng buộc với những người thân trong gia đình. Tham gia vào các tổ chức, con người lại có thêm các quan hệ chi phối qua lại khác nữa. Và dù ý thức hay không ý thức, dù muốn hay không muốn, một khi đã là thành viên của xã hội, anh không thể tách rời các mối liên kết cộng đồng.

+ Ở thời đại nào cũng thế, mỗi cá nhân đều không thể đơn độc tồn tại. Một người thường chỉ có thể có được cuộc sống tốt nhất khi có sự giúp đỡ, ủng hộ, chia sẻ từ các cá nhân khác. Hơn thế nữa, giữa một thế giới đầy biến động, phức tạp và khó lường như ngày nay, với những hiểm họa từ thiên nhiên và từ chính đời sống xã hội, việc một ai đó sống đơn độc còn đồng nghĩa với tự diệt.

+ “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

  – Cuộc sống vì người khác biểu hiện như thế nào ?

  + Sự quan tâm, chăm lo đến cuộc sống của người khác, cả vật chất lẫn tinh thần.

+ Thái độ sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ, động viên, chia sẻ.

+  Sự vị tha, độ lượng, bao dung mỗi khi người đó mắc lỗi.

+ Chấp nhận những thiệt thòi, thua thiệt của bản thân vì quyền lợi, niềm vui, hạnh phúc của người khác.

  – Vì sao cuộc sống vì người khác như thế là cuộc sống đáng quý ?

  + Vì khi sống vì người khác ta sẽ trở nên vị tha hơn, nhân ái, độ lượng hơn… qua đó tự hoàn thiện bản thân để trở thành người tốt.

+ Vì khi sống vì người khác tức là ta đã giúp họ trở nên hạnh phúc hơn, cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. Khi ấy ta cũng thấy hạnh phúc (“Người hạnh phúc nhất là người đem lại nhiều hạnh phúc cho người khác” – Mác) và thấy rằng cuộc sống của ta thật có ý nghĩa.

+ Vì khi sống vì người khác tức là ta đã góp phần tạo nên một môi trường sống tốt đẹp, tràn đầy tinh thần nhân văn, nhân ái. Cuộc sống chung sẽ trở nên tươi đẹp và đáng quý trọng hơn.

+ Vì cuộc sống vì người khác là một cuộc sống cao cả, cao thượng, nhiều khi đòi hỏi con người phải chịu thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần, hi sinh những lợi ích của bản thân để đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác. Điều này không phải ai cũng có thể làm được.

* Bình luận

– Câu nói rất chí lý vì :

+ Nó hướng con người tới lẽ sống cao đẹp, có ý nghĩa nhân văn;

+ Nó giáo dục con người ta sống có trách nhiệm, có lương tâm, rời xa lối sống ích kỷ, thói vô cảm;

+ Nó cổ vũ, đề cao tư tưởng mình vì mọi người, mọi người vì mình, tạo nên sợi dây gắn kết bền chặt giữa con người với con người trong xã hội.

+ Nó phù hợp với truyền thống đạo lý của người Việt Nam xưa cũng như nay : máu chảy ruột mềm, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách, bầu ơi thương lấy bí cùng, nhiều điều phủ lấy giá gương…

– Tuy nhiên :

+ Sống vì người khác phải xuất phát từ trái tim chân thành, tấm lòng tự nguyện, nhu cầu thực sự chứ không nên theo kiểu giúp đỡ – trả ơn hay tỏ ra ban phát, bố thí.

+ Vì người khác không có nghĩa là đáp ứng những đòi hỏi vô lý của người khác. Những việc làm vì người khác phải chính đáng, đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng.

+ Cần điều chỉnh để tạo nên sự cân bằng giữa việc vì mình và vì người khác. Nếu chỉ vì mình, con người sẽ trở nên ích kỉ, nhỏ nhen, tầm thường. Nhưng nếu chỉ vì người khác, cuộc sống sẽ trở nên lệch lạc, mất thăng bằng. Bởi thế, cần quan tâm đến người khác nhưng cũng không nên quên bản thân. Đó là chưa kể sống có trách nhiệm với bản thân, chăm lo cho bản thân ngày một tốt đẹp cũng là một cách “sống vì người khác”.

Thảo luận cho bài: Bài 19: Cống hiến và hưởng thụ