Bài 1: Ôn tập kiến thức về từ ngữ
Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu:
1. Khái niệm: từ là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa.
Vd: nhạc, hoa, chiếc nón, nhí nha nhí nhảnh…
2. Cấu tạo: đơn vị cơ sở để cấu tạo từ tiếng Việt là tiếng, còn gọi là âm tiết.
-Từ đơn: là những từ cấu tạo bằng một tiếng
Vd: sách, bút, bàn, ghế, mưa, nắng
-Từ ghép: là những từ có hai hoặc hơn hai tiếng được ghép lại với nhau dựa trên quan hệ ý nghĩa.
+ ghép đẳng lập: là từ ghép mà giữa các tiếng có quan hệ bình đẳng, độc lập ngang hàng nhau, không có tiếng chính, tiếng phụ
Vd: con cháu, bàn ghế, sách vở, tàu xe…
+ ghép chính phụ: Từ ghép có tiếng chính, có tiếng phụ. (Thường thì tiếng chính đứng trước, tiếng phụ đứng sau)
Vd: tàu hoả, đường sắt, sân bay, hàng không, nông sản, cà chua, dưa hấu, cỏ gà… xấu bụng, tốt mã, lão hoá… xanh lè, đỏ rực, ngay đơ, thằng tắp, sưng vù…
– Từ láy: Đa số đều là từ tượng thanh/ từ tượng hình
+ láy hoàn toàn: ầm ầm, ào ào, rầm rầm, oa oa, gâu gâu, meo meo…
+ láy bộ phận: róc rách, lom khom, hí ha hí hửng, sạch sành sanh…
3. Phân loại
3.1. Thực từ: Là những từ có ý nghĩa từ vựng và có khả năng cấu tạo thành phần chính trong câu
+ Danh từ: là những từ chỉ sự vật ( người, vật, hiện tượng, khái niệm hoặc đơn vị).
Vd: thầy giáo, dãy núi, gió, mưa…
+Động từ: là những từ chỉ hành động, trạng thái của sự vật
Vd: đi, đứng, ăn, uống, nói, cười
+ Tính từ: là những từ miêu tả đặc điểm hoặc tính chất( màu sắc, hình dáng, kích thước, trọng lượng, dung tích, phẩm chất) của sự vật, hoạt động, trạng thái,…
VD: xanh , đỏ, tím..tròn, méo..dài, ngắn, ngắn ngủn..nặng, nhẹ, ít, nhiều, nặng trịch…tốt, xấu, sạch, sạch bóng…
+ Đại từ: là từ dùng để xưng hô, để thay thế hoặc chỉ trỏ (chỉ định), tránh lặp lại danh từ.
Vd: tôi, tao, chúng tôi, anh ấy, nó, chúng nó…/này, kia, thế, ấy, đấy, nọ, vậy, cả…
+ Số từ: là những từ chỉ số lượng và thứ tự sự vật
Vd: một, hai, ba… tá …
3.2. Hư từ: Là những từ không có ý nghĩa từ vựng, chỉ có ý nghĩa ngữ pháp.
+ Quan hệ từ: và, hoặc, nhưng, của, do, mà, để. Cặp quan hệ từ: tuy -nhưng, vì-nên, không những -mà còn, càng – càng…
+ Phụ từ: đã, đang, vẫn, cũng, mãi, nữa
+Trợ từ tình thái: chính, ngay, cả, đến, tới, à, ư, nhé, nhỉ, chứ
+ Thán từ: a, ôi, ối á…
4. Quan hệ giữa các từ
4.1. Hiện tượng chuyển nghĩa
Trong từ nhiều nghĩa, bao giờ cũng có nghĩa gốc (nghĩa đen) và nghĩa chuyển (còn gọi là nghĩa bóng). Hiện tượng thay đổi nghĩa từ nghĩa gốc ban đầu của từ gọi là chuyển nghĩa.
Ví dụ:
Chẳng bao giờ đi cả
Là chiếc bàn bốn chân.
Riêng cái võng Trường Sơn
Không chân, đi khắp nước.
Từ chân ở đây đã được dùng với nghĩa chuyển.Nghĩa chuyển với nghĩa gốc được tác giả sử dụng đồng thời đã tạo nên những liên tưởng thú vị, nhất là hình ảnh cái võng Trường Sơn dù không có chân mà cũng “đi khắp nước“.
4.2. Đồng âm
Từ đồng âm là những từ trùng nhau về hình thức ngữ âm nhưng khác nhau về nghĩa.
– đường1 (đường tàu Thống Nhất); đường2 (mua một cân đường).
– sao1 (ông sao trên trời); sao2 (sao anh lại làm như thế); sao3 (đi sao giấy khai sinh); sao4 (sao thuốc nam)…
– chỉ1 (cuộn chỉ) – chỉ2 (chỉ tay năm ngón) – chỉ3 (chỉ còn có dăm đồng).
– câu1 (nói vài câu) – câu2 (rau câu) – câu3 (chim câu) – câu4 (câu cá)
4.3. Đồng nghĩa
Từ đồng nghĩa là những từ tương đồng với nhau về nghĩa, khác nhau về âm thanh và có phân biệt với nhau về một vài sắc thái ngữ nghĩa hoặc sắc thái phong cách,… nào đó, hoặc đồng thời cả hai.
Ví dụ
- hy sinh, từ trần, băng hà, ngủm, chết, mất, qua đời
- trông, ngó, liếc, dòm, nhìn…
4.4. Trái nghĩa
– Từ trái nghĩa là những từ có ý nghĩa đối lập nhau trong mối quan hệ tương liên. Chúng khác nhau về ngữ âm và phản ánh những khái niệm tương phản về logic
Ví dụ
mềm – cứng (chân cứng đá mềm); mềm – rắn (mềm nắn rắn buông); ít – nhiều (của ít lòng nhiều), lợi – hại (lợi bất cập hại), sống – chết….