“Bác ơi”- bản điếu bi hùng
Mời các em học sinh tham khảo thêm tài liêu:
Ngày mùng hai tháng chín năm một chín sáu chín , chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam đang diễn ra gay go ác liệt . Nỗi đau thương lớn lao , đột ngột với toàn dân tộc . Tin dữ đến với Tố Hữu khi ông đang nằm điều trị ở bệnh viện Việt Xô . Trời mưa tầm tã , ngôi nhà sàn vắng lặng , không khí bi thương bao trùm đã khơi nguồn cảm hứng cho bài thơ , khơi nguồn một tiếng khóc dài , một tiếng khóc lớn , một bản điếu văn bi hùng kết nối hàng triệu trái tim đang xúc động . Bài thơ được đưa vào tập “Ra trận ” năm 1972 .
Tựa đề bài thơ là một câu ngắn hai tiếng với dấu chấm than như một tiếng nấc nghẹn ngào đến tột đỉnh của nỗi đau thương . Nó là tiếng gọi thốt ra rất tự nhiên từ đáy sâu cảm xúc của tâm hồn như người ta vẫn gọi mẹ ơi ! Cha ơi ! Đây cũng là cách xưng hô quen thuộc tạo giọng điệu ân tình của Tố Hữu .
Tiếng khóc đau thương nặng trĩu bắt đầu bằng những lời tâm sự , giãi bày của con đối với cha :
Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt , trời tuôn mưa
Chiều nay con chạy về thăm Bác
Ướt lạnh vườn rau , mấy gốc dừa .
Hai câu đầu nói được vừa cụ thể vừa khái quát nỗi đau thương to lớn vô hạn đang bao trùm đất nước . Hiện thực trong những ngày diiễn ra lễ tang Bác trời mưa tầm tã , nhưng ” tổn thất này thật là lớn lao , đau thương này thật là vô hạn ” khiến cho nơi nơi , người người tuôn nước mắt , thiên nhiên , đất trời , cỏ cây , vạn vật cũng tuôn “nước mắt “. Có gì đau đớn hơn để nước mắt phải tuôn không dứt như thế ? nước mắt của nhà thơ hoà trong nguồn nước mắt tuôn chảy ấy …Tố Hữu đã tất tưởi về thăm nơi Bác ở , về thăm lại nhà sàn … Động từ “chạy ” biểu hiện cảm xúc cực kỳ đau dớn , đau đớn không thể tin , không dám tin . Từ được đặt đúng chỗ , hợp cảnh , hợp tình . Bước chân líu ríu , muốn nhanh cũng không được , vừa chạy vừa vấp ngã , đứng lên lại vấp ngã …Nước mắt nhà thơ ghìm trong hơi thở dồn dập , gấp gáp để mà hy vọng , để mà níu kéo …nhưng khi đối mặt với : ” ướt lạnh vườn rau mấy gốc dừa ” mới chợt vỡ oà trong đau đớn …
Dưới những trận mưa tầm tã bước chân , tư thế , dáng nhìn của nhà thơ đến nao lòng:
Con lại lần theo lối sỏi quen
Đến bên thang gác đứng nhìn lên
Các chữ : “lần”, ” đến ” , ” đứng “, “nhìn” là những động từ liên tiếp diễn tả bước chân , tư thế , tâm trạng vội vã , ngơ ngác không thể tin được của nhà thơ . Lối sỏi quen sao lại phải “lần ” ? Có phải đau đớn tới mức không còn nhìn thấy ? Dò dẵm từng bước vừa đi vừa khóc cho kịp đến bên nhà sàn quen thuộc ? Trong ngày tang lễ Bác , Chế Lan Viên cũng tự đáy lòng thốt lên “
Ôi Tổ quốc trong giờ tang lễ
Đau núi sông cơn đau trời bể …
Rất trí tuệ nhưng cảm xúc thơ vẫn thiếu đi sự gần gũi chân tình .
Theo cái nhìn của tâm trạng đau buồn , cảnh vật cũng trở nên vắng lặng như ngơ ngác , thảng thốt trong nỗi mất mát lớn lao :
Chuông ơi chuông nhỏ còn reo nữa
Phòng lặng , rèm buông , tắt ánh đèn .
Bác đã đi rồi sao Bác ơi !
Mùa thu đang đẹp nắng xanh trời
Miền Nam đang thắng mơ ngày hội
Rước Bác vào thăm thấy Bác cười .
Trái bưởi kia vàng ngọt với ai
Thơm cho ai nữa hỡi hoa nhài
Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm
Quanh mặt hồ in , mây trắng bay …
Chuông không còn reo , phòng lặng lẽ , đèn đã tắt , trái bưởi và hoa nhài trở thành lẻ loi vì không có người vun tưới … Những nhân hoá đã gợi lên nỗi đau thương thấm thía vào cảnh vật , gợi nên cảm giác về sự mất mát tê tái , bơ vơ của tác giả muốn được chia sẻ .
Đoạn thơ có sự ám ảnh giữa mơ và thực , một mặt không tin ” Bác đã đi rồi ” vì cách mạng miền Nam đang thắng lớn , Người đang lãnh đạo và mong ước có ngày vào thăm , mặt khác lại phải tin vì hiện thực “còn đâu bóng Bác ” rất cô đơn .Cách gieo vần liền , vần cách , lối dùng vần mở , nửa mở , đóng vang , cách bố trí thanh trầm ở cuối các câu khiến cho phần đầu của bài thơ như một dòng tình cảm xót xa , tiếc thương tuôn chảy rất tự nhiên , rất chân thành . Nỗi đau thương cứ trĩu nặng mãi khi các chữ “Bác “, ” Bác ơi “, câu cảm thán , câu hói được lặp lại nhiều lần .
Từ cảm xúc , mạch thơ đã chuyển sang lý trí , nhà thơ tiếp tục đúc kết giá trị đạo đức , tình thương , phong cách sống của Hồ Chí Minh. Con người ấy , tình thương ấy đã đạt đến độ quên mình :
Ôi phải chi lòng được thảnh thơi
Năm canh bớt nặng nỗi thương đời
Bác ơi tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người .
Bác chẳng buồn đâu , Bác chỉ đau
Nỗi đau dân nước , nỗi năm châu
Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ
Cho hôm nay và cho mai sau…
Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ , luạ tặng già …
Phóng đại, hoán dụ đã tạo nên nhận thức : tình thương của Bác không bờ bến : ” thương mọi kiếp người “, thương mọi lứa tuổi , thương mỗi cành cây ngọn cỏ . Tình thương ấy là sự chăm sóc rất đỗi ân tình :
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ , lụa tặng già .
Tình thương biểu hiện thành ” nỗi buồn ” , ” nỗi đau “, “nỗi lo “, ” nỗi nhớ “, “niềm vui “, “tình yêu ” trong tâm hồn Người . Bác lo cho dân , cho nước , cho nhân loại , nỗi lo thành nỗi đau , đau cho dân tộc , lo cho phong trào cộng sản quốc tế , lo cho hôm nay và lo cho muôn đời sau . Tác giả đã so sánh lòng Bác với dân với nước như lòng mẹ với con bao la bất tận là một sự liên tưởng thú vị tài tình . Nếu như câu thơ ” Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ ” là so sánh để giãi bày cảm xúc thì câu “Bác sống như trời đất của ta ” lại được cô đúc đầy trí tuệ . Tố Hữu đã cảm nhận được điều bao trùm và hết sức cơ bản trong cách sống của Hồ Chí Minh : con người ấy đạt đến cái tự nhiên như trời đất , hoà đồng với tự nhiên , đã đạt đến cái cao sâu huyền diệu của sự sống . Rất hợp với giọng điệu ngợi ca , đoạn thơ có nhiều vần sáng , thanh điệu cao , nhiều so sánh , hoán dụ tạo liên tưởng phong phú bất ngờ . Hình ảnh Bác toả sáng cao đẹp . Niềm tự hào của nhà thơ dẫn cảm xúc, truyền cảm xúc tự hào cho người đọc không dứt …
Lời thơ tiếp tục khẳng định về niềm lạc quan , lẽ sống cao đẹp của Hồ Chí Minh bằng những suy tưởng , liên tưởng tài tình :
Bác vui như ánh buổi bình minh
Vui mỗi mầm non trái chín cành
Vui tiếng ca chung hoà bốn biển
Nâng niu tất cả chỉ quên mình .
Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn .
Những câu thơ kết tinh , chiêm nghiệm sâu sắc về con người và phong cách sống của Bác . Đó là kết quả của sự am hiểu , gần gũi của tác giả về Bác suốt từ những năm kháng chiến ở Việt Bắc mà không một nhà thơ Việt Nam nào có được . Đoạn thơ đã khắc hoạ được chân dung một con người giản dị , thanh cao , vĩ đại . Con người không sống cho riêng mình “một đời thanh bạch ” với chiếc áo ka ki bạc màu . Vẻ ngoài giản dị mà tâm hồn cao thượng không thể đo hết được . Bác sống giữa cuộc đời , trong muôn triệu con người đâu cần gì đến những tượng đồng ở khắp nơi . Bình dị là thế , cao đẹp cũng là thế , những so sánh tương phản đã diễn tả khá tài tình . Một nhà thơ Ấn Độ đã từng thán phục về Người : ” Vị Thánh sống của muôn ngàn thánh sống , vị ân nhân của cả muôn người “.
Lời thơ lại trở về với cảm xúc tiếc thương nhưng bình thản , tự chủ , đau thương gắn liền với niềm tin , nhà thơ nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Bác đã vạch ra :
Ôi Bác Hồ ơi , những xế chiều
Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu
Ra đi Bác dặn còn non nước
Nghĩa nặng lòng không dám khóc nhiều .
Bác đã lên đường theo tổ tiên
Mác Lê –nin thế giới Người hiền
Ánh hào quang đỏ thêm sông núi
Dắt chúng con cùng nhau tiến lên .
Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn
Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dãy Trường Sơn .
Đau thương nhiều, nhớ Bác nhiều , lại càng không thể quên làm theo di chúc của Người :
Còn non, còn nước ,còn người
Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay .
Tình với Bác sâu nặng , nhưng nghĩa nước non vẫn trên đôi vai , phải nén đau thương lại . Nhà thơ thật tin ở chính mình khi nghĩ về Bác . Người là ánh sáng hào quang của sông núi dẵn dắt con thuyền Cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi hoàn toàn. Nghĩ về Bác , Tố Hữu đã nói được cái chân lý lớn lao và quan trọng :
Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
Đó cũng là ý nghĩ để chân lý dân tộc , sức mạnh dân tộc , tinh thần dân tộc vững trãi như dải Trường Sơn , mãi mãi cao như ngọn Trường Sơn .
Bài thơ khép lại . Bốn mươi năm đã trôi qua , tiếng khóc lớn vẫn còn đó , một con Ngừơi vĩ đại vẫn còn đó . ” Bác ơi !’ đã thành tuyệt tác sống với thời gian , sống trong triệu triệu con người đất Việt . ” Bác ơi !” là bản điếu văn bi hùng !